Cặp đôi anh em Bình Đinh - Phú Yên luôn có nhiều điểm tương đồng và gần gũi đến mức khi đặt chân đến một mà không đến cả hai nơi thì sẽ bồn chồn không yên. Vì vậy hãy nhớ đến và về cùng nhau thì mới trọn vẹn.
Thanh xuân cùng đám bạn, cùng gia đình hãy dành ít nhất 1 tuần để quẩy cho hêt xứ nẫu nha các bạn
Và sau đây là hành trình 6 ngày 5 đêm Quy Nhơn – Phú Yên “vừa đi vừa ngủ” của chúng mình nè!!!!
Mùa đẹp nhất để thấy “hoa vàng cỏ xanh”, trời trong nắng đẹp thì chắc chắn là tầm hè, tháng 5,6,7,8. Nhưng đây cũng là mùa cao điểm du lịch nên nếu dịch sang đi tháng 3,4 thì giá phòng cũng có thể rẻ hơn, thời tiết cũng ổn định.
- Máy bay: Quy Nhơn có sân bay Phù Cát nên việc di chuyển đến đây bằng máy bay cũng là một sự lựa chọn được nhiều bạn trẻ ưu tiên
- Tàu hỏa: Nếu không muốn đi máy bay thì có thể lên Tổng cục đường sắt Việt Nam đặt vé tàu đến ga Diêu Trì (Quy Nhơn).
- Xe khách hoặc xe ô tô: Đây là loại hình phương tiện phổ biến thường được các nhóm bạn bè và nhóm gia đình lựa chọn.
- Xe máy: Nếu bạn là người đam mê di chuyển, ham khám phá thì phượt đến Quy Nhơn bằng xe máy cũng là một lựa chọn rất ưng ý.
Di chuyển từ sân bay Phù Cát (Quy Nhơn) về trung tâm và ngược lại: Ra khỏi sân bay Phù Cát thì có thể thấy xe khách trung chuyển luôn,
Còn nếu lúc về bạn muốn đi lại xe khách trung chuyển, thì phải gọi trước cho bác tài, để hỏi xem nên có mặt lúc mấy giờ nhé.
Đến mỗi khách sạn đều có cho thuê xe máy giá chỉ 100K/xe số/24h; 150K/xe ga/24h. Bạn nên liên hệ với khách sạn trước để book phòng và thuê xe luôn nhé.
Di chuyển từ Quy Nhơn sang Phú Yên: Mọi người thường rất hay đi kết hợp Quy Nhơn và Phú Yên nên mình nghĩ cũng sẽ có nhiều lựa chọn để di chuyển giữa 2 thành phố này.
+Xe máy: Cách nhau 100km thôi nên bạn hoàn toàn có thể di chuyển bằng xe máy, mất khoảng 2,5 tiếng.
+Tàu hỏa: Vì bạn mình không chịu đi xe máy nên buộc phải ra Ga Quy Nhơn (ở gần trung tâm thành phố) mua vé đi ga Tuy Hòa (Phú Yên) với giá 43K/người, chỉ duy nhất 1 chuyến lúc 13:10. Theo dự tính thì đi mất 2 tiếng 30 phút nhưng tàu đi chậm gần 3 tiếng đồng hồ bọn mình mới tới nơi.
Đến ga Tuy Hòa, bạn nhớ lấy số xếp hàng rồi mua vé Tuy Hòa – Diêu Trì (hoặc ga Quy Nhơn) luôn nhé không lại hết vé.
Từ Tuy Hòa về Quy Nhơn bằng tàu hỏa có thể mua vé về ga Quy Nhơn luôn nhưng chỉ có chuyến 6h sáng. Còn nếu chấp nhận về ga Diêu Trì xa trung tâm 1 chút thì có nhiều lựa chọn. Bọn mình chọn đi Tuy Hòa- Diêu Trì lúc 15:34 (rất hay bị delay), giá vé 47K/người; cũng đi tầm 2 tiếng 30 phút.
Lịch trình thì trên mạng có quá nhiều rồi, các bạn có thể tham khảo kĩ rồi tự chọn những điểm mình thích nhé. Mình chỉ nêu khái quát các địa điểm để các bạn có thể hiểu sơ sơ mô hình các điểm tham quan ở Quy Nhơn và Phú Yên.
+Khu trung tâm thành phố: tháp đôi, bãi biển Quy Nhơn, Khu du lịch Ghềnh Ráng
+Khu Kỳ Co – Eo Gió: có Kỳ Co, Eo Gió, khu du lịch dã ngoại Trung Lương, đồi cát Phương Mai, cầu thị Nại, tịnh xá Ngọc Hòa, FLC Zoo Safari Quy Nhơn,
+Khu Nam Quy Nhơn: Hòn Khô, Trại phong Quy Hòa, Bãi Rạng, Bãi Xép (Quy Nhơn), Bãi Dại, Bãi Bàng, Cù Lao Xanh, Vịnh Xuân Đài
+Khu đi ra sân bay: Tháp bánh ít, chùa Thiên Hưng
+Tuyến 1: Bãi Xép hoa vàng cỏ xanh (12km từ trung tâm), Gành đá đĩa (28km), cầu gỗ Ông Cọp, nhà thờ Mằng Lăng.
+Tuyến 2: Xóm Rớ, Hải đăng Mũi Điện ( Đại Lãnh) - Bãi Môn, suối tôm, cung đường biển, vịnh Vũng Rô.
Đấy nhé, theo những tuyến đường trên, các bạn có thể lựa để có 1 plantrip phù hợp với sức khỏe, sức đi của mình.
Dưới đây là lịch trình của chúng mình
-Ngày 1: Trưa bay, chiều đi Tháp bánh ít, chùa Thiên Hưng, đón Kull, đi ăn.
-Ngày 2 : Kỳ Co, Eo Gió, Trung Lương, đồi cát Phương Mai
-Ngày 3: biển Quy Nhơn, Khu du lịch Ghềnh Ráng (Mộ Hàn Mặc Tử, Hòn đá chồng, bãi tắm Hoàng Hậu), Trại phong Quy Hòa, bãi biển Quy Hòa, bãi Xép, Suftbar
-Ngày 4: sáng đi Phú Yên: Gành đá đĩa, Bãi Xép, cầu Ông Cọp, nhà thờ Mằng Lăng
-Ngày 5: Phú Yên sáng, chiều về Quy Nhơn, Tháp đôi
-Ngày 6: sáng ngủ, ăn trưa, 12h ra sân bay
Trại phong Quy Hòa: Free vào cổng tự do.
Đây là một nơi rất đáng đi khi đến Quy Nhơn, không quá xa, chỉ tầm 7km từ trung tâm, mà lại có nhiều thứ hay ho.
Việc đầu tiên bạn nên làm là đến thăm phòng kỉ niệm nơi nhà thơ Hàn Mạc Tử mất (11/11/1940), sau khoảng hơn 1 tuần chống chọi lại với căn bệnh phong (cùi) ở căn phòng này. Nếu bạn cũng là 1 người từng thi học sinh giỏi Văn, từng yêu văn thơ, có tí máu nghệ sĩ và đặc biệt vẫn còn hoạt động liên quan đến 1 chút nghệ thuật, chắc chắn bạn sẽ không kìm được nước mắt và sự xúc động khi đến đây.
Hương Xinh cũng rất thích Hàn Mạc Tử, thuộc cả bài hát về ông, nên mình rất muốn đến đây, để sau này dẫn mẹ đi lại lần nữa.
Ở đây còn là nơi đặt mộ ông trong suốt 19 năm đầu, sau đó đến 1959 mới chuyển sang sang cất ở bên KDL Ghềnh Ráng.
Ngoài việc thăm quan căn phòng cũ chữa bệnh của Hàn Mạc Tử, trước cửa phòng ông còn có giàn hoa giấy nở hồng rực (dù đã tàn đi nhiều), các bạn có thể chụp ảnh kỉ niệm ở đây nè.
Khu trại phong Quy Hòa này hiện đã không còn những người bệnh cùi sinh sống nữa, hầu như những người dân địa phương đều chuyển về đây ở, nên nét kiến trúc đã bị sửa sang nhiều. May mắn gặp 1 anh người bản địa đến thăm phòng nhà thơ, anh chỉ cho bọn mình nên đi thăm quan quanh khu làng cùi, vì ở đây có đến 61 nét kiến trúc độc đáo, đến từ các nhà tài trợ ở nhiều quốc gia, pha trộn phong cách xây dựng đặc trưng của nước họ + kiến trúc đặc thù của Bình Định.
Khu trại phong này bình yên lắm, còn có cả biển Quy Hòa siêu mát, siêu sạch và nước biển rất trong. Tuy nhiên, chỉ để ngắm, không cho tắm nha (dù Tết dân địa phương vẫn kéo xuống tắm như được mùa).
-Khu du lịch Ghềnh Ráng: Sau khi từ trại phong về, bạn nên ghé vào KDL này, khá vắng, sạch sẽ.
Ở đây có mộ Hàn Mạc Tử đặt ngay đầu cổng vào. Viếng mộ nhà thơ xong, chúng mình đi xem bãi đá chồng (1 cú lừa vì nó nhìn chán vcl luôn), bãi đá trứng (khá đẹp), thăm bãi tắm Hoàng Hậu mà Nam Phương Hoàng Hậu – vị hoàng hậu cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam chọn làm nơi tắm riêng. Nếu không quá nắng thì cũng lao xuống tắm đấy, để hưởng ít cảm giác tắm ở nơi hoàng hậu tắm huhu. Be like Hoàng hậu.
Chùa Thiên Hưng: Cách khá xa trung tâm, chừng 25km gần về phía sân bay, các bạn nên đi chùa này nhé. Đây cũng là nơi lưu giữ viên ngọc Xá lợi Phật thứ 5 được Giáo hội Phật giáo Myanmar trao tặng cho Việt Nam. Ở đây còn có tháp chuông cao 12 tầng, phải nói kiến trúc ở chùa này khiến du khách thập phương phải thảng thốt vì quá đẹp và sự bình yên khó mà có được ở chốn thành thị.
Đến đây lúc trời lất phất mưa, mình còn được bác nhân viên cắt cỏ trông hộ xe, hỏi han các thứ rất trìu mến, ấm lòng lắm.
Nhìn chung đồ ăn ở Quy Nhơn – Phú Yên đều ngon, nhưng không quá rẻ đâu, giá cũng ngang ngửa Thủ đô đấy. Rẻ thì có bánh bèo chén, sinh tố, 1 vài món ăn vặt nhẹ nhàng, trà tắc… chứ các món ăn chính nổi nổi thì cũng đắt đỏ mà huhu.
Phố ăn vặt đêm Ngô Văn Sở 114 Xuân Diệu: bánh cuốn nem nướng, bánh khọt, bánh canh, trứng cút lộn, sinh tố xay, bún thịt nướng… (2 đứa ăn hết chỗ này có 148K thôi huhu rẻ
Bánh hỏi cháo lòng bà Mẫn 76A Trần Phú: 30K/suất (bán sáng đến khoảng 11h là hết)
Hải sản Ốc Bông 30 Ngọc Hân Công Chúa: 15K/đĩa ốc (mình ghét hải sản vcl mà ăn ở đây ưng mồm lắm nè huhu).
Bánh mì Bảy Quán 17 Nguyễn Công Trứ: món bánh mì chấm ngon đặc sắc với ai yêu bánh mì như mình. 12K/suất (bán tối)
Sinh tố (hoa quả dầm) hoặc sinh tố xay, trà tắc khổng lồ: 10 -15-20K/cốc (đường Nguyễn Huệ, Tây Sơn, Ngô Văn Sở… ở đâu cũng có).
Bò né số 3 Lê Lợi: 20K/suất (ngonnnn, bán sáng đến 11h trưa)
Bánh xèo tôm nhảy Anh Vũ 14 Diên Hồng: 30K/suất (có cả hải sản mực, tôm… nói chung ăn rất ngon, nhưng đắt kakaka).
Bánh bèo chén, bánh ít, bánh gối 79 Vũ Bảo: rẻ lắm 15K/10 chén bánh bèo
Cơm gà kho xả gừng Lý Thường Kiệt (cạnh ga Quy Nhơn): 35K/suất
Bánh mì Lagu 171 Nguyễn Huệ (trong hẻm cách 10m thôi): 30K/suất (ngon vcl, ăn lạ lắm nhé). Nhớ check giờ mở cửa nha, nhanh hết.
Chè Nhớ đường Ngô Mây: đặc sản ai đến Quy Nhơn cũng ăn, quán đẹp như kiểu nhà hàng kaka. Nhưng mình thấy chè cũng bình thường, đông dã man.
Mua quà: Bánh ít lá gai số 156 Lê Lợi (33K/10 cái)
Mắt cá ngừ đại dương - Quán Bà Tám 289 Lê Duẩn, TP. Tuy Hòa: 40K/suất
Bánh canh hẹ - Quán ở đường Nguyễn Trãi giao với Lê Thánh Tôn, TP. Tuy Hòa: 10K-15K/tô
Bánh bèo chén – Chân tháp Nhạn : 15K/đĩa 10 chén nhỏ.
Bánh flan – chân tháp Nhạn: 5K/bánh.
Cơm gà Tuyết Nhung – 189 Lê Thánh Tôn, TP.Tuy Hòa: 35K/cơm gà đùi
Bắp nướng mắm nêm: 20K/3 bắp (ở vòng xoay Vincom chỗ Hùng Vương ấy)
Bánh hỏi lòng heo - Quán Yến 118 Hùng Vương, P. 6, Tp. Tuy Hòa: 30K/suất
Bánh cuốn nem nướng Ninh Hòa - Quán 159 Lê Thánh Tôn, Tp. Tuy Hòa: 30K/suất
Bánh bầu phô mai Hàn Quốc (ngã tư Hùng Vương, Nguyễn Huệ): 10K/cái
Quán chè ven đường Trường Chinh: 5KXôi lá chuối ăn sáng – Quán 254 Trần Hưng Đạo: 10K/suất
Chè hoa quả: 10-20K (cũng Quán 254 Trần Hưng Đạo, sáng bán xôi, trưa chiều bán chè)
-Nên chuẩn bị ô, áo mưa mỏng khi đi Phú Yên vì có thể sẽ mưa không kể ngày đêm.
-Ngoài mưa thì hầu như đều nắng. Dù cái nắng không kinh khủng như “tiểu vương quốc sa mạc” Ninh Thuận – Bình Thuận nhưng cũng bắt nắng lắm đó. Hãy chuẩn bị mọi phương án chống nắng nha.
-Hoa quả dầm ở đây người ta kêu là sinh tố á. Chứ như mình thì sinh tố là mấy cái hoa quả xay nhuyễn ra akakka.
-Đi Kỳ Co mình khuyên thật có thể chọn, vì tính ra bọn mình đi tự túc cũng ngang ngang tầm ấy, được cái tự phi xe máy lên cảnh sắc đẹp lắm.
-Tắm biển thì nên ra Hòn Khô rồi lặn ngắm san hô luôn nha, chứ mình nghe ông anh mình bảo bãi Dứa (Kỳ Co) thì san hô không đẹp bằng Hòn Khô đâu.
_________________________________________
Các bạn có thể tìm hiểu thêm các thông tin về du lịch Bình Định - Phú Yên tại các bài viết dưới đây
>>>>> Top 5 quán bánh xèo ngon nhất Bình Định
>>>>> Các tour du lịch Quy Nhơn
>>>>> Combo du lịch Quy Nhơn