Đặc sản Hà Nội - Tinh hoa văn hóa ẩm thực

Hà Nội, vùng đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến vốn nổi tiếng với một nền ẩm thực độc đáo, đồ sộ. Các đặc sản Hà Nội luôn được du khách quan tâm một cách đặt biệt, bởi tất cả tinh hoa của ẩm thực Việt đều hội tụ về đây. 

Người xưa lại có câu “Ăn Bắc, mặc Nam”, ý chỉ rằng ẩm thực Hà Nội là đặc sắc nhất trong tất cả các vùng miền. Kết hợp tham quan Lăng Bác, các di tích và thưởng thức các món ngon truyền thống của người Hà Nội, là điều mà bạn nhất định phải thử một lần

ĐẶC SẢN NỔI TIẾNG ĐẤT HÀ THÀNH

Phở – món ăn gia truyền Hà Nội

Phở là món ăn tinh túy của Hà Nội, là hương vị giữ hồn cho mảnh đất Thăng Long. Phở thực ra có bán ở khắp mọi vùng miền, nhưng chỉ ở Hà Nội mới gọi là chính gốc. Món ăn này dường như đã xuất hiện từ những năm 1930, trải qua gần thế kỷ, phở vẫn được gìn giữ, lưu truyền qua nhiều thế hệ người Hà Nội. Giờ đây, phởi không chỉ là đặc sản Hà Nội mà còn là một thương hiệu trứ danh của ẩm thực Việt.

Thành phần chính của phở là bánh phở và nước lèo, hòa chung cùng những loại gia vị như tiêu, chanh, mắm ớt ... và các loại rau ăn kèm như ngò gai, rau mùi, rau húng. Bánh phở theo truyền thống được làm từ bột gạo, tráng thành tấm mỏng rồi cắt thành sợi. Nước dùng cho nồi phở thường là nước dùng được ninh từ xương bò, sá sùng kèm nhiều loại gia vị bao gồm quế, hồi, gừng nướng, thảo quả, đinh hương, hạt mùi, hành khô nướng. Sau khi hoàn thành nước lèo, cho bánh phở vào tô rồi trụng qua nước sôi, rồi cho nước dùng vào tô đã sắp sẵn bánh phở, thịt bò và hành lá trong đó đã có thể thưởng thức. Nên dùng nóng sẽ cảm nhận hết được hương vị đặc biệt của phở Hà Nội.

Không hổ danh là “món ăn quốc dân” cùa Việt Nam, hơn hết đó là nét độc đáo của ẩm thực Hà Nội. Phở phủ sóng khắp 36 phố phường, từ những gánh hàng rong đơn sơ, mộc mạc cho đến những cửa hàng phở đã làm nên thương hiệu. Phở Bát Đàn, phở Thìn là những cái tên dường như đã rất quen thuộc bởi hương vị phở ở đây được biết đến có chuẩn nhất đất Bắc.

Địa chỉ tham khảo:

+ Phở Thìn: Số 12 phố Lò Đúc, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

+ Phở Lý Quốc Sư: Số 10 Lý Quốc Sư, Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

+ Phở Gia Truyền Bát Đàn: 49 Bát Đàn, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

+ Phở Bưng: 01 HàngTrống, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

+ Phở Vui (chuyên bò): 25 Hàng Giấy, Q.Hoàn Kiếm.

Cốm Làng Vòng – đặc sản Hà Nội nức tiếng một vùng

Nói đến ẩm thực Hà Nội là nói đến cốm, như một lẽ thường tình. Bởi cốm là của riêng Hà Nội, một món ăn đã lưu giữ từ bao đời nay, hình ảnh những gánh cốm xanh đã đi vào ký ức của bao thế hệ người thủ đô. Cốm là món quà thiên nhiên ban tặng người nông dân, là món quà của lúa non được kết tinh hương vị đất trời và sương sớm. Mỗi một hạt cốm dẻo lại mang trong mình hưỡng sữa non thanh mát, và thơm phức đến độ, chỉ đi qua một gánh cốm rong là đã thấy đưa về thứ mùi nhẹ nhàng, đặc trưng thanh tao đó rồi. Bởi vậy, đây là thức quà đặc sản Hà Nội làm quà số 1 để mang về biếu tặng người thân, bạn bè mỗi khi đi du lịch.

Món bánh cốm béo ngậy, thơm lưng vị cốm là thứ không thể thiếu trong các giỏ quà mà người phương xa mang về từ thủ đô, với một tâm trạng hứng khởi và nao nức. Nói đến cốm thì có cốm Làng Vòng rất nổi tiếng, cốm đem bọc trong lá sen, ăn cùng với chuối chín là thú vui của người Hà Nội. Mùa cốm ở đây bắt đầu vào tầm tháng 8-10, khi những làn thương thoang thoảng mùi thơm nhẹ nhẹ, nồng nàn khắp các con ngõ là báo hiệu mùa cốm làng Vòng đã về. Ngoài cốm là thức ăn vặt rất lý tưởng vào mùa thu, du khách còn có thể thưởng thức các đặc sản từ cốm như bánh cốm, xôi cốm.

Cốm thường được bọc trong lá sen, ăn cùng với chuối chín. Mùa thu hoạch cốm bắt đầu từ tháng 8 – tháng 10, nếu đến du lịch Hà Nội vào thời gian này, du khách sẽ được ngửi thấy mùi cốm thoang thoảng khắp các con phố thủ đô. Còn nếu du khách không đến Hà Nội vào mùa cốm thì du khách vẫn có thể thưởng thức những đặc sản làm từ cốm như bánh cốm, xôi cốm…

Địa chỉ tham khảo:

+ Tập thể làng nghề cốm Vòng: Số 36 ngõ 63 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội

+ Cốm Huy Linh: Đường Trần Thái Tông, Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội

+ Cốm Mộc Lê Gia: Số 2 ngõ 59 Mễ Trì, P. Mễ Trì, Q.Nam Từ Liêm, Tp.Hà Nội

+ Cốm tươi Thu Huệ: 16 Mễ Trì Thượng, Nam Từ Liêm, Hà Nội

+ Cốm Tâm Tâm: Số 8 ngách 5/19 ngõ 35 Trần Thái Tông, Cầu Giấy, Hà Nội

Bún chả Hà Nội – món ăn vươn tầm thế giới

Món bún chả dường như rất quen thuộc với người dân thủ đô, xuất hiện trong các bữa ăn trưa, tối. Hơn thế nữa, bún chả Hương Liên cũng là món ăn được tổng thống Obama lựa chọn để thưởng thức trong chuyến ghé thăm Việt Nam vào tháng 6/2016. Món ăn này cũng được xếp vào trong danh sách 10 món ăn đường phố nổi tiếng được bình chọn bởi khách du lịch. Ở mọi ngóc ngách của Hà Nội bạn đều có thể dễ dàng ngửi thấy mùi thịt chả nướng thơm lừng trên bếp than hồng.

Một tô bún chả ngon, đầy đủ nhất phải có bún, chả thịt nướng, nước chấm và rau thơm. Cái tinh túy nhất ở món ăn này chính là vị đậm đà của nước chấm, kèm theo mùi thơm hấp dẫn của chả thịt, hòa quyện vào cùng nước bún ngọt thơm, thanh thoát theo công thức gia truyền, tạo nên vị ngon không thể cưỡng lại. Chả thịt muốn thơm phải là loại làm từ thịt nạc vai, đem ướp với muối, tiêu, hành, mắm,… rồi nướng lên cho thơm.

Địa chỉ tham khảo:

+ Bún chả Obama (bún chả Hương Liên): Số 24 Lê Văn Hưu, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

+ Bún chả Đắc Kim: Số 1 Hàng Mành, Hàng Gai, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

+ Bún chả Sinh Từ: Số 2 Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy, Hà Nội.

+ Bún chả Cửa Đông: 41 Cửa Đông, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội

+ Bún chả Đắc Kim: 1 Hàng Mành, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội

+ Bún chả Sinh Từ: 57 Nguyễn Khuyến, Q.Đống Đa, Hà Nộ

Chả cá Lã Vọng - món ngon không thể bỏ qua

Chả cá Lã Vọng được liệt vào danh sách các món ăn ngon bậc nhất xứ Kinh Kỳ từ trước đến nay. Nhờ công thức chế biến gia truyền, cùng với sự kết hợp của nhiều nguyên liệu đã tạo nên vẻ hấp dẫn của món ăn này.

Món chả cá Lã Vọng thường được làm từ cá lăng tươi, vì loài cá này ngọt thịt, ít xương và thơm ngon. Với những loại cá khác thường rất bở thịt, nhiều xương dăm không thích hợp để làm món chả cá. Công đoạn chế biến cá lăng đòi hỏi cần tỉ mỉ và khéo léo.

Người Hà Nội thường ăn kèm chả cá với bún, rau húng láng, lạc rang, hành lá và không thể thiếu ché mắm tôm được pha chế sao cho công phu nhất. Chả cá là loại cá lăng hoặc là cá quả, đem sơ chế rồi cắt thành từng khúc, chiên cho ngập dầu rồi bê cả cả lẫn chảo đặt lên bàn cho thực khách. Khi ăn chỉ cần cho rau vào, đảo đều lên, gắp một ít bún rồi rau, rưới lên ít mắm nữa rồi ăn ngay cho nóng.

Bí quyết làm nên sức hấp dẫn của món chả cá Lã Vọng đó là công đoạn pha chế mắm tôm. Mắm tôm thơm ngon pha với đường và nước cốt chanh rồi đánh đều cho sủi bọt. Có thể cho thêm chút mỡ sôi trên bếp đánh đều để tăng hương vị cho món ăn. Đối với những vị khách không ăn được mắm tôm có thể thay bằng nước mắm chua ngọt, tuy nhiên lại làm giảm hương vị thơm ngon của món chả cá Lã Vọng

Địa chỉ tham khảo:

+ Chả cá Song Anh: số 383 Trường Chinh, Quận Đống Đa, Hà Nội

+ Cửa hàng chả cá Anh Vũ : Số 120 K1 Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội

+ Chả cá Thăng Long: Số 21 Đường Thành, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+ Chả cá Lão Ngư: số 171 Thái Hà, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

+ Chả cá Lão Vọng Ngư: số 100 Hai Bà Trưng, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

Bún thang Hà Nội – sự cầu kỳ trong nguyên liệu

Bún Thang là nét ẩm thực mà khi đặt chân đến Hà Nội bạn không thể bỏ qua vì nó không chỉ là một món ăn, mà nó còn là cả một tinh hoa ẩm thực được người dân Hà Thành đúc kết từ bao đời nay. Đối với những người sành ăn thì quả là một điều thiếu sót nếu bỏ qua món này. Món ăn gồm rất nhiều nguyên liệu và đủ mùi vị nhưng nó vẫn đem lại cái cảm giác thanh thanh, đầy tinh tế của đậm chất ẩm thực Hà Nội .

Ở Hà Nội có rất nhiều món bún, nhưng cầu kỳ và công phu nhất phải nói đến món bún thang, nếu kể ra phải có đến 20 nguyên liệu trong một bát bún. Một món ăn tinh tế, thể hiện sự thanh nhã của ẩm thực Hà Nội có lẽ sẽ rất đáng tiếc nếu như bỏ qua đặc sản này trong chuyến đi của bạn.

Ngay khi nhìn thấy món bún thang, chắc có lẽ bạn sẽ vỡ òa ngạc nhiên vì sự “đồ sộ” của nó. Một tô bún mà lại có rất nhiều thứ, nào là trứng gà, lườn gà, giò lụa, tôm, mực, nấm, mùi tàu, rau răm, hành,…hội tụ trên một một món ăn mãn nhãn chỉ muốn thưởng thức ngay lập tức.

Địa chỉ tham khảo:

+ Bún thang Cầu Gỗ: 48 Cầu Gỗ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

+ Bún thang Hạ Hồi: 11 Hạ Hồi, Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

+ Bún thang Hàng Hòm: 11 Hàng Hòm, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

+ Bún thang Giảng Võ: D2 Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội

+ Bún thang Hàng Hành: Số 29 Hàng Hành, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Bún mọc dọc mùng – Món ăn dân dã đầy hấp dẫn

Bún mọc dọc mùng là món bún rất đáng thử khi du lịch Hà Nội. Thành phần đơn giản với bún, khoanh thịt chân giò, viên mọc, kèm nước ninh từ xương. Viên mọc tròn thơm cùng với sợi mang giòn dai cùng với đó là vị cay của ớt, khiến thực khách không khỏi xuýt xoa khi thưởng thức.

Hương vị thanh mát, giòn sật của dọc mùng, ngọt thơm của mọc, tươi ngon của lát thịt chân giò, hòa quyện trong bát bún chan nước dùng đậm đà khiến khiến món ăn trở nên rất riêng mà không ai có thể cưỡng lại được. Thiếu đi món đặc sản Hà Nội này thì chuyến du lịch của bạn cũng kém phần đậm đà đấy!

Người Hà thành thường ăn món ăn này vào bất cứ thời điểm nào, cho dù là sáng hay tối, mùa hạ hay mùa đông. Vào mùa hè, bún dọc mùng Hà Nội là món ăn giải nhiệt rất hiệu quả nhờ hương vị thanh mát, còn khi đông về một bát bún nóng hổi, thơm phức lại khiến cho ai nấy cứ mãi xuýt xoa.

Địa chỉ tham khảo:

+ Bún mọc Hàng Lược: 57-59 Hàng Lược, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội

+ Bún mọc Xã Đàn: 181 Xã Đàn, Phương Liên, Q.Đống Đa, Hà Nội

+ Bún mọc Cô Châm: 39E Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+ Bún mọc Hàng Ngang: 48 Hàng Ngang, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+ Bún mọc Cầu Gỗ: 32 Cầu Gỗ, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Bún đậu mắm tôm – đặc sản lưu danh đất Bắc

Ẩm thực Hà Nội cũng rất nổi tiếng với món bún đậu mắm tôm, đã có từ khoảng gần một trăm, một khoảng thời gian đủ dài để món ăn này đi sâu vào lòng người. Không giống với bất kỳ món bún nào, bún đậu mắm tôm được biết như một món ăn nhẹ, ăn chơi ngon mà lại hấp dẫn.

Một phần bún đậu truyền thống thường sẽ có bún, đậu phụ ráng giòn, chả cốm, nem chua, mắm tôm và các loại rau ăn kèm như kinh giới, rau húng, xà lách, tía tô. Giờ đây, để làm tăng độ phong phú cho món ăn, người ta còn cho thêm dồi rán, thịt chân giò luộc, dưa chuột cho mẹt bún đậu.

Địa chỉ tham khảo:

+ Bún đậu mắm tôm Ngõ Trạm: 1B Ngõ Trạm, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

+ Bún đậu mắm tôm Trung Hương: Số 49 ngõ Phất Lộc, Hàng Bạc, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

+ Bún đậu mắm tôm Ngõ Trạm: 1B Ngõ Trạm, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội

+ Bún đậu Trung Hương: 49 ngõ Phất Lộc, Hàng Bạc, Hà Nội

+ Bún đậu Cây Bàng – Đại La: 129 Đại La, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội

Xôi khúc – Món quà của tuổi thơ

Xôi khúc hay bánh khúc là một trong những món ăn tạo nên nét đẹp ẩm thực cổ truyền Hà Nội. Bánh có dạng khối tròn, bên trong nhân đậu xanh nhuyễn cùng thịt heo cắt nhỏ, cùng gia vị. Mua bánh khúc làm quà đặc sản Hà Nội sẽ rất tuyệt nó chứa đựng đầy đủ hương đồng cỏ nội, mùi vị lúa nếp quê hương.

Xôi khúc với mùi thơm đặc trưng của lá khúc, cay nhẹ của hạt tiêu, có vị dẻo mịn của hạt xôi quyện cùng vị bùi của đậu xanh lẫn béo ngậy của thịt tạo nên một món xôi ngon khó cưỡng. Chiếc bánh khúc tròn tròn, to cỡ nắm tay được gói trong lá chuối xanh mướt, nhìn đơn giản là vậy mà lúc ăn thì dễ “ghiền" vô cùng. Lớp xôi bên ngoài dẻo mềm, kết hợp cùng phần vỏ bánh thơm mùi lá khúc, thêm chút bùi bùi của đỗ xanh và mằn mặn của thịt. Những ngày Hà Nội trở lạnh, nhất là buổi sáng ra đi làm vội, ghé hàng bánh khúc mua vội một phần thôi cũng đủ “ấm no” đến tận trưa rồi.

Địa chỉ tham khảo

+ Bánh khúc Cô Lan:

CS1: 69B Nguyễn Công Trứ, Phố Huế, Q.Hai Bà Trưng

CS2: 20 Đường Lê Duẩn, Đống Đa, Hà Nội

CS3: 255 Thụy Khuê,Tây Hồ, Hà Nội

CS4: 29 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội

+ Bánh khúc Quân: 35 Cầu Gỗ, Hàng Bạc, Q.Hoàn Kiếm

Bánh tôm Hồ Tây – món ăn vặt yêu thích của giới trẻ

Dù chỉ là món ăn vặt được phố dân dã, thế nhưng món bánh tôm Hồ Tây lại vinh dự lên sóng CNN, được ca ngợi hết lời. Ra đời từ những năm 50, món bánh tôm bức tiếng này vẫn còn giữ gìn và lưu truyền cho đến tận ngày nay. Đến du lịch Hà Nội, nếu chưa ghé Hồ Tây ăn bánh tôm thì chưa phải gọi là trọn vẹn.

Là một món ăn đường phố, nên công thức làm bánh tôm không hẳn là cầu kỳ. Tôm phải là tôm nước ngọt, bắt lên từ Hồ Tây, kết hợp cùng với nguyên liệu là bột và trứng. Tôm được nhúng vào hỗn hợp bột và trứng, rồi cho vào chảo chiên ngập dầu cho đến khi chín vàng. Vớt ra, bánh sẽ có độ giòn, thơm và màu vàng đẹp, rất hấp dẫn. Cách ăn đơn giản nhất là đem bánh tôm, chấm vào cùng nước mắm ớt tỏi hoặc là ăn không cũng rất ngon.

Địa chỉ tham khảo:

+ Bánh tôm Hồ Tây: Số 1 Thanh Niên, Tây Hồ, Hà Nội.

+ Bánh Tôm Cô Ầm: Ngõ Đồng Xuân, Hàng Chiếu, Hà Nội.

+ Bánh tôm Nghĩa Tân: A20 Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội

+ Bánh tôm Hàng Bồ: 57A Hàng Bồ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

+ Bánh tôm Bà Phúc: 20G2 Vạn Phúc, Ba Đình, Hà Nội

Phở cuốn Hà Nội – tưởng lạ mà quen

Nhắc đến ẩm thực Hà Nội, sẽ thật là thiếu sót nếu như bỏ qua món phở. Hà Nội có nhiều loại phở đa dạng khác nhau nhưng một trong những món phở nổi tiếng chính là phở cuốn. Phở cuốn giống như một nét chấm phá cho ẩm thực Hà Thành, làm tô điểm cho bức tranh ẩm thực mảnh đất Đô Thành càng ngày càng rực rỡ, quyến rũ, hấp dẫn, làm lưu luyến biết bao thực khách mỗi lần đặt chân đến.

Phở cuốn Hà Nội là món ngon Hà Nội quen thuộc của người dân thủ đô. Món ăn được làm từ bánh phở, gói bên trong là thịt, rau chả, hành, giá, v.v... Vị ngọt thanh vừa miệng từ thịt, rau và nước chấm khiến nó trở thành món ăn xế khoái khẩu thơm ngon lại không quá đầy bụng.

Địa chỉ tham khảo:

+ Bánh cuốn Bà Hoành: 66 Tô Hiến Thành, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

+ Bánh cuốn Hàng Bồ: 57A Hàng Bồ, Hà Nội.

+ Phở cuốn Hương Mai: 25 Ngũ Xá, Q.Ba Đình, Hà Nội

+ Phở cuốn Hưng Bền: 35 Nguyễn Khắc Hiếu, Q.Ba Đình, Hà Nội

+ Phở cuốn Ngũ Xá: 233A Tô Hiệu, Q.Cầu Giấy, Hà Nội

Bún ốc Hà Nội– món ăn của sự dân dã

Các món ốc vốn là đặc sản Hà Nội thế cho nên không ngạc nhiên khi món bún ốc lại được người thủ đô yêu thích đến vậy. Ngay cả khách du lịch dù lần đầu tới đây cũng không thể cưỡng lại mùi thơm ngây ngất của tô bún ốc nóng hổi. Cái đặc biệt của món bún ốc ở đây duy chỉ là sự đơn giản, từ nguyên liệu cho đến cách chế biến. Song, không phải ai cũng có thể nấu ra được vị chuẩn nhất cho món ốc.

Món bún ốc để cho ra hương vị ngon nhất, cần đến thời gian chuẩn bị chứ không phải là ngẫu nhiên. Ốc phải được ngâm từ đêm trước, đem sơ chế cho sạch nhớt rồi mới đem luộc. Cách thưởng thức uống ốc cũng tùy hứng, có người thích ướp với nghệ, xào cho thấm rồi mới ăn, có người lại đơn giản hơn, cứ muốn ăn tới đâu thì nhể ốc tới đó. Có như vậy, ốc mới giữ được vị ngọt và giòn sần sật.

Địa chỉ tham khảo:

+ Bún ốc cô Thêm: 6 Hàng Chai, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

+ Bún ốc cô Lan: 26 ngõ 139 Khương Thượng, Đống Đa, Hà Nội.

+ Bún ốc Bà Giao: Số 18 ngõ 433 Bạch Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

+ Bún ốc Giang – 36 Lương Ngọc Quyến, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội

+ Bún ốc sườn Cô Sáu – Tầng trệt, 354 Bạch Mai, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội

Xôi xéo lá sen Hà Nội – món ăn sáng không thể thiếu

Nghe cái tên xôi thì có vẻ phũ phàng nhưng thực sự là cả tinh hoa ẩm thực và tâm huyết của người làm. Bạn không thể chối từ món ăn này bởi vị bùi bùi từ đậu xanh, béo béo từ hành phi, dẻo dẻo từ nếp cái hoa vàng kết hợp với hương thơm thanh thanh của lá sen.

Để làm được món xôi xéo khi nghe thì đơn giản mà lúc bắt tay vào mới thấy cầu kỳ. Bạn phải nhớ kỹ những điều sau: gạo nấu xôi phải là loại gạo dẻo, không dính nát. Để khi ăn lúc nóng không bị nhão mà ăn lúc lạnh thì không bị cứng. Màu sắc thì phải vàng tươi, tự nhiên không phải màu được pha từ phẩm. Đỗ xanh giã thật nhuyễn, nắm chặt lại. Hành phi thì thơm giòn.

Địa chỉ tham khảo:

+ Xôi xéo cô Mây Hàng Bài: 35 Lý Thường Kiệt, Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

+ Xôi xéo cô Tuyết: Ngõ Cự Lộc, Thanh Xuân, Hà Nội.

+ Xôi xéo Chị Hương: Đối diện Công Viên Hoàng Văn Thụ, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội

+ Xôi Yến: 35B Nguyễn Hữu Huân, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

+ Xôi xéo 48 Yên Phụ: 48 Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội

ĐẶC SẢN HÀ NỘI LÀM QUÀ DU LỊCH

Sấu – thức quà của tuổi thơ

Nhớ đến Hà Nội là nhớ đến sấu, thứ quả mà chỉ riêng Hà Nội mới có, là điều góp phần làm nên tinh hoa ẩm thực thủ đô. Quả sấu nho nhỏ, xanh xanh ấy vậy mà độc đáo vô cùng, không chỉ làm thức ăn quen thuộc hàng ngày mà còn để làm nước uống giải nhiệt rất tốt.

Cứ đến độ thu sang, khi mà sấu len lỏi khắp phố phường, cũng là lúc mà nhà nhà hái sấu nấu canh. Đến khi mùa sấu đi qua lại thấy từng hũ sấu nằm ngay ngắn ngay góc nhà, để đến mùa hè lại thấy đêm ra pha pha chế chế thành món nước uống giải nhiệt tuyệt vời. Rồi thì mức sấu dùng để ăn vặt, làm quà biếu tặng cũng rất ý nghĩa.

Ô mai – món ăn chơi dân dã

Nói đến đặc sản Hà Nội làm quà không thể bỏ qua ô mai món ăn vặt được giới trẻ Hà Thành mê mẩn, đắm say. Một thức quà hội tụ đủ các vị chua, cay, mặn, ngọt dễ khiến người ta phải thèm thuồng mãi không thôi. Dù là món ăn chơi giản dị, quen thuộc của người Hà Nội nhưng ô mai cũng mang vẻ thanh lịch, tinh tế không kém gì với đặc sản cốm Làng Vòng. Có lẽ vậy, cứ đến mỗi mùa lễ tết, hay chỉ đơn giản là khách tới nhà chơi, người Hà Nội hay chọn ô mai để mời khách.

Ô mai thì cũng có nhiều loại, nhưng được ưa chuộng nhất vẫn là ô mai sấu, vị giòn chua của nó đến ngay cả những người khó tính nhất cũng phải xiêu lòng. Rồi còn có ô mai tắc chua ngọt chịu nhẹ, ô mai mơ mềm ngọt, tất cả đều mang sắc vị ôn hòa, điềm đạm nên dâu ai cũng phải thích. Từng quả ô mai được gói gém thật kỹ lượng trong từng hộp, đẹp mắt và tỉ mỉ. Thế nên nếu có dịp du lịch Hà Nội, cũng đừng quên chọn lấy một ít để mang về làm quà.

Trà sen – “thiên cổ đệ nhất trà” của người Hà Nội

Giữa một rừng trà đến từ khắp các vùng miền như trà cúc, trà nhài, trà atiso, trà ô long thì trà sen vẫn là loại trà quý nhất. Trà sen được biết đến như cái hồn của người Việt Nam, đại diện cho một đất nước. Vị trà sen thanh khiết, ngọt nhẹ làm nên sự tinh túy của món trà quốc dân. Cái đặc biệt của thức trà này là phải nhấp từng ngụm, cảm nhận từ từ vị ngọt lan trên đầu lưỡi. Để mang đến hương vị ấy, hẳn phải rất kỳ công trong khâu ướp trà.

Trà sen thực sự rất quý và hiếm, thế nên không phải ai cũng dễ mua được thức quà này. Bởi trà chỉ có theo mùa, làm ra rất ít thế nên mới gọi là đặc sản Hà Nội làm quà rất lý tưởng. Theo lời kể của những nghệ nhân, để cho ra một mẻ trà sen chất lượng, phải dùng đến hàng trăm, hàng ngàn bông sen vào buổi sáng sớm. Tất cả trải qua rất nhiều công đoạn từ bóc tách gạo sen, sàng gạo, ủ trà cuối cùng mới cho ra sản phẩm là những mẻ trà sen thơm ngào ngạt.

Bánh cốm – đặc trưng hương vị Hà Nội

Hương thơm ngọt ngào, tinh khiết của lúa mới hoà cùng sắc xanh đồng quê và hương vị đặc trưng của những chiếc bánh cốm không chỉ hấp dẫn người Hà Nội, là món quà quý của người Thủ đô khi đi thăm người thân, bạn bè ở các tỉnh thành khác, mà còn theo chân những du khách đến với bạn bè quốc tế.

Những chiếc bánh cốm xanh mướt chỉ nhìn thôi cũng đã thấy thích mắt rồi. Vỏ bánh dẻo thơm dậy mùi cốm non, nhân cốm đậm đà hương vị đậu xanh. Không chỉ là hương thơm của cốm mà còn có thêm vị bùi béo, thơm ngậy của dừa kết hợp cùng.

Bưởi Diễn – món quà tặng đầy ý nghĩa

Gọi là cái tên bưởi Diễn bởi bưởi được trồng ở làng Diễn, nay thuộc phường Phúc Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Là một trong những loại bưởi ngon nhất Việt Nam, thương hiệu bưởi Diễn gây ấn tượng nhờ vào lớp vỏ mỏng tanh, vàng đẹp bên trong là những tép bưởi mọng nước ngọt lim. Điều đặc biệt chỉ có ở bưởi Diễn là bưởi để càng lâu, lớp vỏ càng héo thì sẽ càng ngọt và ngon hơn.

Nhờ để được lâu, vị lại ngon nên bưởi Diễn rất được yêu thích để mua về làm quà hoặc cúng ông bà trong những dịp lễ tết. Sự xuất hiện của bưởi Diễn trên bàn thờ tổ tiên thể hiện sự may mắn, phúc lộc tràn đầy. Thế nên, dùng bưởi diễn để làm quà sẽ khiến người nhận cảm thấy vui mừng và hài lòng bởi không chỉ ở sự ngọt thanh mà còn ở ý nghĩa sâu xa của nó.

Bánh chè lam – cảm nhận hương vị đồng quê

Bánh chè lam là món ăn đặc sản giản dị được rất nhiều người dân Hà Nội yêu mến. Bánh được làm từ những nguyên liệu rất thân thuộc với người dân thủ đô như gạo nếp, mật mía, gừng, lạc… Bánh chè lam Thạch Xá là thương hiệu rất nổi tiếng được khách du lịch Việt Nam và nước ngoài biết đến.

Ăn bánh chè lam Thạch Xá và uống trà sen, du khách sẽ cảm nhận được hương vị đồng quê Hà Nội trong từng miếng bánh, ngụm trà.

Giò chả Ước Lễ - món ngon của làng nghề

Làng Ước Lễ ở Hà Nội rất nổi tiếng với món giò chả Ước Lễ. Giò chả Ước Lễ chỉ dùng thịt lợn ỉ nhỏ (từ 30 – 40kg) để chế biến. Thịt lợn được lọc kĩ và giã rất nhanh bằng loại chày gỗ nặng 6 – 9kg. Trong lúc giã, người làm chêm nước mắm liên tục vào thịt lợn để nước mắm thấm đều vào từng thớ thịt. Sau đó, thịt sẽ được bó thật chặt bằng lá chuối tây.

Để làm được một khoanh giò Ước Lễ ngon đòi hỏi người làm phải thật tỉ mỉ lọc thịt lợn, giã thịt và chế biến thịt. Chính vì thế, giá thành phẩm giò chả Ước Lễ thường đắt hơn giò chả bình thường, từ 150.000 – 170.000 đồng/kg.

Hy vọng bài chia sẻ này sẽ giúp các bạn có thêm nhiều thông tin bổ ích cho những chuyến du lịch Hà Nội của các bạn thêm nhiều thú vị và trọn vẹn. Hẹn gặp lại các bạn trong bài chia sẻ khác của Thiên Hương Tour với những đặc sản nổi tiếng thơm ngon hấp dẫn khắp mọi miền đất nước.

_____________________________________________

Các bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin về du lịch Hà Nội tại các bài viết dưới 

>>>>> Kinh nghiệm du lịch Hà Nội chi tiết từ A đến Z

>>>>> Du lịch Hà Nội cùng vẻ đẹp 12 mùa hoa

>>>>> Các tour du lịch Hà Nội

>>>>> Combo du lịch Hà Nội