TOP 15 đặc sản Ninh Bình nhất định phải thử!

Ninh Bình hấp dẫn không chỉ bởi những danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp và hùng vị, mà còn là những món ăn đặc sản lạ miệng, độc đáo. Cùng tham quan Ninh Bình và thưởng thức top món ăn đặc sản nổi tiếng nơi đây bạn không thể bỏ qua.

Cơm cháy

Là niềm tự hào của người dân Ninh Bình, cơm cháy được ví như một thứ đặc sản Ninh Bình làm quà không thể thiếu cho chuyến du lịch. Cơm cháy Ninh Bình có nhiều loại khác nhau như cơm cháy ruốc, cơm cháy tôm, cơm cháy mỡ hành,… và bạn cũng có thể tìm thấy món ăn này ở tất cả các quán ăn đặc sản và ở những khu du lịch nổi tiếng tại đây.

Cơm cháy được bán ở khá nhiều nơi nhưng với cơm cháy Ninh Bình thì lại đặc biệt được yêu thích. Cơm cháy ở đây làm từ 100% gạo nếp hương nguyên chất, hạt tròn và mẩy. Cơm cháy giòn tan, ngậy ngậy cùng với vị mặn, thơm của ruốc sẽ là món ăn yêu thích của rất nhiều thực khách khi tới đây đó. Ngoài ruốc ra thì Ninh Bình còn cơm cháy tôm, cơm cháy mỡ hành,... cũng rất đáng thử.

Thoạt nghe, món cơm cháy này có vẻ được chế biến đơn giản chẳng có gì đặc biệt, tuy nhiên để tạo nên một món ăn nức danh lan truyền cả nước thì người chế biến đã phải vô cùng kỳ công và tỉ mỉ. Gạo để nấu cơm là những loại gạo dẻo, thường là gạo nếp Hương, hạt gạo tròn và trong. Nồi nấu phải là nồi gang đáy dày và nấu bằng than củi, đều lửa để tạo cháy ở khắp đáy nồi, không chỗ dày, chỗ mỏng. Những miếng cơm cháy sau khi lấy ra khỏi nồi sẽ được bẻ vừa vặn. Cơm được nấu bằng nồi gang trên than củi vì vậy mà có độ cháy giòn vừa phải cùng màu vàng đặc trưng. Cơm nấu xong còn được phơi 2, 3 nắng tự nhiên hoặc sấy khô để dễ bảo quản. Khi ăn chỉ cần cho miếng cơm cháy vào chảo dầu sôi chiên lên đến khi vàng rộm là có thể thưởng thức.

Cơm cháy có thể chấm nước tương, ăn kèm hành phi, hoặc ruốc mằn mặn tùy theo khẩu vị của từng người. Những miếng cơm cháy thơm phức, giòn tan ngay trong miệng, đậm đà mà không hề béo ngậy như gửi gắm cả tấm lòng của người dân cùng hương vị của mảnh đất Cố đô này đến bạn bè và du khách gần xa.

Bún chả quạt

Bún chả quạt Ninh Bình gây ấn tượng đầu tiên bởi những miếng chả lớn, đặc biệt hấp dẫn và khiến người ta tò mò muốn thử ngay. Chả ở đây không phải chả miếng hay chả viên như kiểu làm của Hà Nội, mà là thịt băm được xếp thành miếng lớn, nướng trong những chiếc vỉ tới khi chín vàng xém cạnh. Chả nhất định phải nướng bằng than củi thì mới thơm và ngon. Nhiều nơi còn dùng quạt nan để quạt bếp bằng tay, đúng kiểu thời xưa chứ không dùng quạt máy.

Chả được tẩm ướp theo công thức riêng một cách cầu kỳ, mang hương vị đậm đà với sự hoà quyện các gia vị. Miếng chả khi nướng xong vẫn còn nóng hổi, bên ngoài vàng và xém cạnh nhưng bên trong vẫn ngọt thịt chứ không hề bị khô. Chả ăn kèm bún tươi, đồ chua, rau sống cùng nước chấm chua ngọt hơi cay nồng đem lại cảm giác thực sự thích thú cho mỗi thực khách.


Xôi trứng kiến

Nghe có vẻ hơi “không đúng lắm” và có phần lạ lẫm nhưng xôi trứng kiến thực sự là món ăn đặc sản không thể bỏ qua khi tới với Ninh Bình. Nguyên liệu trứng kiến cực kỳ khó kiếm, được lấy trực tiếp từ các con kiến trên rừng. Mà kiến thì vốn là loài động vật vô cùng nhỏ bé nên để thu thập trứng kiến không đơn giản. Mà cũng tùy loại kiến mới có thể lấy trứng nấu ăn được.

Ở Ninh Bình, loài kiến duy nhất được chọn là kiến nâu trong dãy đá vôi ở các dãy núi Nho Quan. Có thể vì thế mà món đặc sản này không phải cứ thích là ăn được. Đặc biệt món ăn này còn phải tùy thuộc vào mùa sinh sản của kiến chứ không phải lúc nào cũng có sẵn để thưởng thức. Trước hết, bạn phải đi Ninh Bình vào khoảng tháng 2, tháng 3 Âm lịch hằng năm thì món này mới được bán nhiều.

Trứng kiến non sau khi khai thác ở vùng núi đá vôi Nho Quan sẽ được đem về rửa sạch rồi tẩm ướp gia vị và xào chín. Xắn một muỗng xôi, bạn sẽ cảm nhận rõ vị béo của mỡ hành, bùi bùi của trứng kiến hòa quyện cùng hương thơm của xôi nếp. Xôi hay được gói trong lá chuối vừa dân dã, quen thuộc lại có mùi thơm thoang thoảng. Đặc biệt, nhấm nháp từng chút một bạn sẽ nghe tiếng trứng kiến lách tách tan dần trong miệng thật sự rất thú vị. Nếu vẫn còn ngần ngại, bạn có thể tự mình biến tấu món ăn bằng cách ăn kèm với nguyên liệu khác nữa cũng được.

Bánh đa cá rô

Với việc sở hữu vùng núi đá vôi đầy tự hào, cá rô nuôi tại Ninh Bình cũng rất khác biệt so với loại cá ở các vùng khác. Cá rô làm sạch, đánh vảy, lọc kỹ nhưng vẫn giữ được độ tươi ngon.

Sau khi lọc thịt cá, người ta đem trộn với các loại gia vị như muối, tiêu rồi cho vào rim cùng nước mắm, hành khô tới khi ngấm, cá săn lại là được. Thịt cá béo ngậy, hành khô thơm phức cùng với nước dùng ngọt thanh. Bánh đa cá rô sẽ ngon hơn khi bạn ăn kèm các loại rau cải, hoặc chả cá.


Bún mọc Kim Sơn

Một món nước không thể bỏ qua khi tới với Ninh Bình. Bún mọc Kim Sơn không giống mọc có thịt mộc nhĩ như Hà Nội mà mọc làm từ từ mông loại ngon giã nhuyễn, có chỗ xay chung với sụn ăn sừn sựt rất ngon. Thêm nữa viên mọc ở đây làm to như lòng bàn tay trẻ con, đủ để cắn ngập răng chứ không phải loại mọc nhỏ bằng đầu ngón tay thường thấy ở Hà Nội.

Một số nơi khác xay chung với sụn ăn sừn sựt khá lạ miệng. Viên mọc làm cũng to hơn những chỗ khác, cắn ngập răng. Bún dẻo, cùng với mọc trắng hồng thơm và chút nước dùng nóng hổi ngọt đậm, hành phi cùng hành lá tạo màu.

Tô bún mọc Ninh Bình rất đơn giản, một tô bún chỉ đơn thuần là bún, những viên mọc trắng hồng thơm phức điểm thêm chút hành rồi chan nước dùng nóng hổi, điểm thêm chút hành phi vàng rộm, ngon mắt trước khi mang ra cho khách. Đơn giản thế nhưng có ăn mới thấy khó quên. Sợi bún mềm, dai, miếng mọc ngọt đậm, nước dùng thanh... hòa quyện thực sự khiến người ta vô cùng khó quên. Món ăn sẽ khiến bạn thêm yêu quý Ninh Bình hơn rất nhiều đó.

Gà đồi Ninh Bình

Gà đồi Ninh Bình được nuôi tại vùng rừng núi Cúc Phương. Gà đồi Ninh Bình là những con gà ri thông thường nhưng nuôi thả rông trên đồi. Thịt gà cực chắc và thơm ngon. Đây là món quà được du khách tin tưởng lựa chọn làm quà tặng cho người thân gia đình khi tới đây du lịch.

Gà được chế biến theo nhiều kiểu như gà luộc, gà quay, gà nướng, gà xé phay,..., bạn tha hồ lựa chọn món. Dù được chế biến theo hình thức nào, khi thưởng thức bạn vẫn cảm nhận được rõ những thớ thịt dai dai, mùi hương thơm lừng tỏa ra, hương vị này ăn một lần là nhớ mãi mãi.

Cá kho gáo

Đây là món ăn vô cùng dân dã của người dân Ninh Bình. Cá kho thì bình thường nhưng cá kho gáo thì có vẻ lạ đúng không? Nếu thấy lạ lẫm quá thì bạn đừng ngần ngại thử xem sao nha. Cá kho gáo là cá kho với quả gáo.

Đây là loại quả có vị chua chua, thanh thanh, ngọt ngọt nên thường được dùng làm gia vị cho các món nấu canh. Và cá kho gáo với vị mặn mà của cá, thịt cá mềm và chắc, hòa quyện cùng sốt ướp đậm đà và không thể thiếu vị chua thanh của gáo là đặc sản cố đô rất được ưa thích.

Với hương vị rất đặc biệt, quả gáo không những khử được mùi tanh của cá mà còn mang vị thơm đặc trưng làm nên món cá kho vô cùng “bắt cơm”. Món ăn không chỉ trở thành đặc sản được nhiều người biết đến mà còn là niềm tự hào của người Ninh Bình với sự tinh tế trong cách nấu ăn.

Thịt dê núi

Những chú dê tại đây được chăn thả tự nhiên, ăn cỏ cây trên núi nên thịt dê núi ăn tại đây không quá dai cũng không quá mềm, lại có vị ngọt khá đặc biệt không giống như ở những nơi khác. Đây cũng là món đặc sản được Ninh Bình xây dựng thành thương hiệu ẩm thực của địa phương.

Chính vì thế mà dê núi bao giờ chất lượng thịt cũng thơm ngon, ngọt có độ mềm và có hương vị rất đặc trưng mà bất kỳ dê nuôi ở đồng bằng hoặc nuôi bằng hình thức công nghiệp không thể nào bằng được.

Từ khâu chọn giống đến chăn nuôi dê cũng phải lựa chọn kỹ càng. Phải chọn những con dê cỏ, tai nhỏ, được chăn thả tự nhiên trên núi đá, leo trèo ăn những lá cây, quả chín, những cây thuốc và thảo dược trên núi nên chất lượng thịt mới ngon. Thịt dê núi rất ít mỡ, săn chắc lại có mùi thơm khi ăn miếng thịt mềm, không quá dai, có vị ngọt và mùi hôi nhẹ đặc trưng của dê.

Khâu chế biến thành món ăn cũng rất công phu và tỷ mỉ, từ lựa chọn thịt, đến kết hợp với gia vị cho từng món cũng phải sao để khi ăn vẫn cảm nhận được mùi vị của thịt dê tươi, ngon và ngọt mà không mất đi hương vị đặc trưng của thịt dê.

Thịt dê ở đây được chế biến thành nhiều món ăn thơm ngon, độc đáo và hấp dẫn với các cách chế biến khác nhau.Thịt dê có thể làm nem dê, dê hấp, dê nướng hay dê tương gừng - món ăn có giá trị dinh dưỡng cao. Thịt dê cũng được cho rằng có thể chữa nhiều bệnh vì vậy nếu có cơ hội tới thăm đây thì mọi người đừng bỏ qua những món từ thịt dê nức tiếng xứ Ninh Bình nơi đây nha.

Gỏi cá nhệch

Gỏi cá nhệch là món ăn ngon nổi tiếng không chỉ với người Ninh Bình mà còn hấp dẫn biết bao du khách khi tới đây. Gỏi được làm khá công phu, qua nhiều khâu để không còn mùi tanh mà có vị ngọt xen lẫn vị thơm bùi của nếp.

Những con cá Nhệch được chọn phải tươi ngon, thuộc loại to từ 400kg trở lên, bụng béo trắng, lưng xanh màu đá thẫm qua nhiều khâu chế biến hết sức tỉ mỉ, cầu kỳ mới làm nên được món gỏi không có vị tanh của cá, khi ăn có hương vị thơm ngon xen lẫn vị bùi của gạo nếp rang cùng vị chua thanh của dấm và vị cay nồng ấm của gừng, tiêu, ớt, xả trong nước chấm.

Món Gỏi cá Nhệch cần rất nhiều công đoạn và được chế biến rất kỳ công. Để món gỏi không bị tanh, sau bắt cá về, lấy nước vôi, tro nước, lá tre tuột sạch chất nhờn trên da. Mổ cá đằng sống lưng mổ lươn lọc xương. Thịt cá tươi cắt thành lát có màu hồng giống màu thịt cá quả (cá chuối). Thính được làm bằng gạo nếp rang, giã nhỏ mới có mùi thơm và bùi. Trộn nhanh thịt cá với thính cho thơm thịt. Lấy da cá rán giòn to cuộn thành gỏi. Xương cá giã nhuyễn để nấu chẻo (hay còn gọi là nước chấm).

Gỏi cá Nhệch được ăn kèm với bánh đa vừng, nhiều loại rau, gia vị như lá sung, lá ổi, lá đinh lăng, lá lộc vừng, lá mơ, khế chua… Cách thưởng thức gỏi cá nhệch đúng bài nhất là bạn cuốn một chút gỏi cá với các loại rau thơm như lá mơ, húng, đinh lăng,... Người ta quấn các loại lá ấy thành chiếc phễu, cho thịt nhệch vào, quết nước chẻo lên, thêm vài hạt muối trắng, vài lát hành khô và lát ớt tươi rồi gói lại rồi chấm cùng loại nước chấm bí quyết riêng của từng quán. Nước chấm gỏi cũng phải pha theo công thức thật khéo tay, không hề đơn giản khi kết hợp hài hòa đủ giữa vị cay nồng của ớt, sả và hạt tiêu Chính sự cầu kỳ đó sẽ khiến bạn ăn một lần mà nhớ mãi.

Miến lươn

Miến lươn là món ăn "chân ái" không chỉ của người dân Ninh Bình mà còn rất nhiều du khách tới đây khám phá nét ẩm thực.

Lươn dùng làm nguyên liệu là lươn cốm, có phần lưng màu nâu hồng còn bụng màu vàng đậm. Loại lươn này có kích thước nhỏ hơn lươn bình thường, bù lại thì thịt nó săn chắc và thơm hơn. Miến lươn dùng kèm với hoa chuối, rau thơm để tạo nên vị thanh dịu nhẹ, một chút ớt hơi cay the sẽ cân bằng lại vị giác nhé.

Bí quyết làm nên thương hiệu riêng cho miến lươn Ninh Bình lại nằm ở nồi nước dùng. Nước dùng muốn ngon phải được nấu từ chính xương lươn, sau khi lọc thịt, xương lươn không vứt bỏ mà cho vào nồi nước dùng, ninh cùng xương ống thật lâu, vớt bọt liên tục để nước giữ được độ trong cũng như vị béo tự nhiên. Cũng nhờ vậy, khi bát lươn được bưng ra thấy nước dùng màu nâu đậm, đặc sánh vô cùng ngon mắt, đậm miệng.

Miến lươn thường ăn kèm hoa chuối để làm nên vị thanh dịu mà không bị tanh của lươn. Giá món miến lươn có mức giá tương tự như món canh chua cá rô đồng. Hãy thử món miến lươn Ninh Bình để cảm nhận điều kì diệu trong món ăn này nhé.

Rượu cần Nho Quan

Tên gọi rượu cần xuất phát từ cách thưởng thức đặc biệt của nó. Khi uống rượu cần người ta sử dụng những cần dài từ thân cây trúc chứ không dùng chén. Ở nước ta có nhiều vùng miền làm rượu cần, thế nhưng hương vị rượu cần Nho Quan có nét rất khác. Rượu cần không cần chưng cất như các loại rượu khác. Người Mường ở Nho Quan làm rượu cần bằng cách để tinh bột, vỏ cây, lá cây rừng lên men.

Bí quyết để làm ra bình rượu cần ngon nằm ở men. Men có chuẩn thì rượu mới thơm và ngọt. Hỗn hợp tinh bột và men rượu sau khi trộn kĩ sẽ được ủ vào trấu và đem phơi khô. Rượu được ủ khoảng 3 tháng là có thể uống. Rượu cần Ngô Quan không quá mạnh nhưng vị rất đậm đà, tưởng như có cả núi rừng trong đó.

Nem chua Yên Mạc

Không giống như các vùng khác, nem chua ở Ninh Bình có hương vị rất đặc biệt. Nổi tiếng nhất nhì đất Ninh Bình phải kể đến nem chua ở làng Yên Mô, Yên Lạc. Nem chua ở đây được chế biến rất tỉ mỉ, cầu kì. Nguyên liệu phải dùng thịt nạc mông lợn mới để nem có độ chắc, dai. Nem chua Yên Mạc được gia giảm cẩn thận để nem có thể chín đều. Vị bùi, hơi chát của lá ổi gói cùng nem giúp cân bằng hương vị.

Nem thường được gói một lớp thêm lá ổi để tạo vị thơm đặc trưng có chút đăng đắng và bọc bên ngoài bằng lá chuối để tạo vỏ ngoài đẹp mắt. Nem chua Yên Mạc ngon nhất là được ăn kèm lá sung, rau thơm và chấm với nước mắm pha chanh tỏi hoặc tương ớt, muối vừng. Cho miếng nem vào miệng, thực khách sẽ cảm nhận được vị bùi bùi chát chát của các loại lá cây hòa quyện với thịt nem đậm đà, chua chua, ngọt ngọt lan tỏa khắp cơ thể vô cùng hấp dẫn.

Nem chua Yên Mạc đúng điệu là phải ăn cùng mắm tỏi chua chua cay cay. Món ăn này từng được dâng lên vua chúa thời xưa. Người dân ở đây đến nay vẫn còn truyền miệng nhau câu thơ:

“Nem Yên Mạc níu chân người

Rượu bầu thơ túi một đời tìm nhau”

Mắm tép Gia Viễn

Ninh Bình vốn nổi tiếng với các loài tôm, tép, cua, cá bởi có nhiều vùng chiêm trũng. Ở thành phố này, vùng làm mắm tép ngon nhất là huyện Gia Viễn. Để làm được mắm tép ngon, chất lượng con tép rất quan trọng. Kinh nghiệm của người Gia Viễn cho thấy, những con tép già, thân nhỏ, tròn làm mắm sẽ ngon hơn. Thời điểm thích hợp nhất để làm món này là khi có gió heo may vào tháng 11 âm lịch.

Mắm tép Gia Viễn có màu nâu đỏ thẫm đẹp mắt, vị ngọt đậm đà, độ mặn vừa phải và thơm mùi tép. Mắm có thể sử dụng để làm nguyên liệu chế biến nhiều món ăn khác nhau như nước chấm rau luộc và thịt luộc hoặc để nấu thành các món khoái khẩu như: mắm tép chưng thịt, mắm tép trộn đu đủ…cũng rất nổi tiếng và được nhiều người ưa chuộng.

Để có lọ mắm tép thơm ngon, người dân địa phương sẽ chọn những con tép già, thân tròn, màu xanh lam còn tươi nguyên. Tép sau khi được rửa sạch, ráo nước sẽ được trộn đều với thính, muối cho vào hũ sành, đậy kín nắp và ủ khoảng trong vòng 6 tháng là có thể dùng được.

Từ mắm tép dân dã, người ta có thể biến hoá, chế biến thành rất nhiều món khác nhau. Mùa đông ăn cơm nóng với thịt chưng mắm tép thì còn gì bằng.

Cá nướng rơm

Cá nướng rơm Ninh Bình không phải cứ đốt rơm lên, xiên cá vào que tre rồi nướng như dân gian vẫn làm, mà là cá úp vung gang, nướng rơm, ủ trấu. Đây là món ăn độc đáo này chỉ có ở những vùng quê chiêm trũng Ninh Bình.

Vào mùa gặt, khi mà rơm rạ nhiều thì món ăn này trở nên phổ biến hơn, nếu vào mùa hiếm rơm thì cá sẽ được nướng theo phương pháp khác, tuy vậy cá nướng rơm vẫn thơm ngon và hấp dẫn hơn là nướng bằng củi hay bếp than. Cá để nướng thường là những loại cá nước ngọt phổ biến như cá trôi, cá chép hoặc cá quả…

Sau khi làm sạch cá thì mang ra xóc với muối để muối ngấm quanh cá, sau đó để một lúc cho cá cứng lại rồi mới mang đi nướng. Công đoạn khó nhất của món ăn chính là nướng. Người ta chọn một góc đất khô ráo, sạch sẽ, lót một lớp rơm sạch thật dày và một lớp lá lốt để khi cá chín được sạch sẽ, thơm ngon. Để cá nướng thơm ngon và không bị cháy thì phải xếp cá gọn trong vung gang. Nhờ vung gang mà cá được chín hoàn toàn bằng nhiệt, khô ráo và không bị cháy, không dính tro mà vẫn giữ hương vị riêng.

Sau khi xếp cá xong thì phủ lên vung nhiều rơm rồi đốt lửa cháy to, đến khi lửa cháy đượm thì trải một lớp trấu dày lên trên để ủ khoảng hai giờ thì mới cời bếp ra để trở cá. Gạt nhẹ lớp than một cách chậm rãi rồi nhấc vung gang ra là thấy lớp rơm lót bên trong cháy khô vì nhiệt cao. Lúc này chỉ cần nhanh tay lật trở cá thật đều, úp vung gang lại, đốt rơm và ủ trấu thêm một thời gian nữa là cá săn chín.

Người ta thường dùng kèm cá với các loại lá gia vị như lá sung, lá mơ, các loại rau thơm theo mùa, rau mùi cùng bát nước chấm ớt cay, chút lá thì là băm nhỏ và ít hạt tiêu.

Bánh trôi Ninh Bình

Ninh Bình vốn nổi danh với thịt dê và cơm cháy lại có món bánh trôi khá độc đáo và lạ lẫm. Vẫn được làm từ bột gạo nhưng phần nhân của những chiếc bánh này lại được thay thế bằng đường mật, lạc khô giã nhỏ và lá cúc mốc. Lá cúc mốc sau khi hái về được thái nhỏ, ướp cùng đường mật khoảng nửa tiếng cho thấm đều rồi mới cho vào giữa phần bột làm nhân bánh cùng lạc khô giã nhỏ.

Thông thường để bánh có vị thơm nhẹ, không bị ngọt, người nấu sẽ cho thêm một ít lá cúc mốc và hoa bưởi vào nước luộc bánh. Chính vì vậy mà mỗi chiếc bánh trôi Ninh Bình thường có vị ngọt nhẹ, thơm mát cùng hương thơm thoang thoảng đặc biệt. Chỉ 10.000-15.000 đồng bạn sẽ được thưởng thức một đĩa bánh ngon.

Hy vọng bài chia sẻ này sẽ giúp các bạn có thêm nhiều thông tin bổ ích khi đến Ninh Bình thưởng thức những món đặc sản thơm ngon này nhé. Hẹn gặp lại các bạn trong bài chia sẻ ẩm thực khác của Thiên Hương Tour với những món ngon vật lạ khắp mọi miền đất nước.

_________________________________

Các bạn có thể xem thêm các thông tin du lịch về Ninh Bình tại đây

>>>>> Kinh nghiệm du lịch Ninh Bình chi tiết từ A đến Z

>>>>> Khám phá chùa Bái Đính - Điểm du lịch tâm linh ở Ninh Bình

>>>>> Các tour du lịch Ninh Bình

>>>>> Combo du lịch Ninh Bình