Những địa điểm không thể bỏ qua khi khám phá Cà Mau!

 

Cà Mau - nét chấm cuối cùng trên bản đồ Việt Nam. Đã đặt chân đến Cột cờ Lũng Cú Hà Giang thì trong lòng chúng ta lại muốn vượt hàng ngàn km đế đến với Cà Mau. Như thế mới là trọn tình, trọn nghĩa.

Đến Cà Mau không thể bỏ qua những địa đểm hàng đầu này nhé

TOP 10 ĐIỂM ĐẾN Ở CÀ MAU

Vườn chim giữa lòng thành phố

Vườn chim trong khuôn viên Khu Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được hình thành từ năm 1995 ở giữa lòng TP.Cà Mau.

Vườn chim với hơn 7.535 cá thể sinh sống, đó là kết quả dẫn dụ hàng ngàn con chim trong tự nhiên về sinh sống. Vườn chim là địa điểm tham quan độc đáo đã trở thành tài sản, niềm tự hào và đã gắn liền với cuộc sống đời thường của người dân Cà Mau.

Qua 3 năm triển khai thực hiện Đề án, môi trường sinh thái vườn chim được phục hồi, các chỉ số ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí dần được kiểm soát; số loài và số cá thể chim tăng so với năm 2018 (số loài tăng 2%, số cá thể tăng 14,1%), hệ thống cây xanh, thảm thực vật phát triển khá tốt, mật độ cây xanh và độ che phủ có tăng…

Theo Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, việc phát triển vườn chim trong khuôn viên Khu Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ góp phần đạt được hiệu quả về kinh tế thông qua việc tạo thêm một sản phẩm du lịch đặc sắc, độc đáo để thu hút khách tham quan, phát triển du lịch.

Sân chim Ngọc Hiển - Cà Mau

Hòn Đá Bạc

Hòn Đá Bạc, cách TP.Cà Mau khoảng 50 km, cách đất liền khoảng 500 mét, có diện tích 6,34 ha, nằm ở phía tây Bán đảo Cà Mau (thuộc địa phận ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời). Hòn Đá Bạc bao gồm Hòn Ông Ngộ, Hòn Đá Bạc, Hòn Đá Bạc Lẻ. Đỉnh cao nhất của hòn khoảng 50 mét so với mặt nước biển.

Hướng dẫn di chuyển tới Hòn Đá Bạc

Từ TP Cà Mau đến Hòn Đá Bạc chỉ mất 1h30 phút đi xe ô tô hoặc xe gắn máy theo đường vào khu Vườn Quốc gia U Minh Hạ, qua Co Xáng, Cơi Năm. Nếu đi bằng phương tiện đường thủy, từ TP Cà Mau, xuôi theo dòng kinh Tắc Thủ, sang kinh Hội Đồng Thành về hướng Tây, vượt thêm khoảng 40km nữa là đến xã Khánh Bình Tây, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời. Đi thêm đoạn đường nữa là tới ấp Đá Bạc B, từ xa đã thấy Hòn Đá Bạc như một hòn non bộ “sừng sững” vượt lên trên dãy nhà xóm Kinh Hòn.

Nhìn trên bản đồ, Hòn Đá bạc như một trạm tiền tiêu canh giữ vùng trời, vùng biển phía tây nam Mũi Cà Mau. Hòn Đá Bạc - như tên gọi của nó - xung quanh hòn, trên mặt nước, dưới đáy biển hàng ngàn viên đá granit đủ mọi kích cỡ nằm chồng lên nhau tạo thành nhiều hình dáng như có sự sắp đặt của con người. Đi trên Hòn Đá Bạc, du khách bắt gặp bàn tay Tiên, dấu chân Tiên, giếng Tiên, bàn chân cọp. Trên đỉnh phía đông của Hòn Đá Bạc có các tảng đá to và bề mặt khá rộng. Khoảng giữa hai mảng đá có khuyết một hố sâu giống như hình bàn chân.

Tương truyền rằng, dấu bàn chân ấy là bàn chân Tiên, còn mảng đá này là sân Tiên. Trên hòn có một vài ngôi chùa nhỏ như chùa Hang, chùa Tịnh độ. Đặc biệt, trên đỉnh cao nhất của Hòn Đá Bạc là đền thờ Ông Nam Hải - nơi thờ bộ xương cá Ông dài 13m. Ngày 20/5/1995, cá Ông dạt vào khu vực cửa sông Ông Đốc. Khoảng 3 ngày sau, Ông lụy (chết), ngư dân Sông Đốc đem chôn. Đến năm 1996, ngư dân đưa bộ xương về Hòn Đá Bạc để thờ cúng.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, địch đã chọn Hòn Đá Bạc làm nơi đóng Trung đội pháo 105 ly để khống chế vùng căn cứ cách mạng Khánh Bình Tây và tuyến ven biển phía Tây Cà Mau. Đây còn là địa điểm diễn ra chuyên án CM12, đánh bại âm mưu nhập biên phá hoại, lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta của tổ chức phản động “Việt Nam phục quốc” do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu.

Thông tin tham quan Hòn Đá Bạc:

Giờ mở cổng: 7h - 19h

Gía vé: miễn phí

Hòn Đá Bạc - Cà Mau

Đầm Thị Tường

Cách thành phố Cà Mau khoảng 40 km về phía Nam, Đầm Thị Tường là đầm nước có diện tích lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, được mệnh danh là “biển Hồ giữa đồng bằng”. Đầm Thị Tường là điểm đến hấp dẫn khách du lịch khi tới thăm tỉnh Cà Mau.

Đầm Thị Tường thuộc địa phận 3 huyện: Trần Văn Thời, Cái Nước, Phú Tân của tỉnh Cà Mau. Đầm Thị Tường tạo nên từ phù sa bồi lắng của sông Mỹ Bình, sông Ông Đốc và nhiều kênh rạch khác. Đầm Thị Tường dài 12 km, chỗ rộng nhất 2 km, chỗ sâu nhất 1,5m, thông ra Vịnh Thái Lan. Đầm gồm 3 đầm chính: Đầm Trên, Đầm Giữa và Đầm Dưới, trong đó Đầm Giữa là đầm lớn nhất.

Hướng dẫn đường đi đến đầm Thị Tường

Đầm Thị Tường cách thành phố Cà Mau khoảng 2 giờ di chuyển bằng đò và nằm ngay cạnh kênh xáng Bà Kẹo, nối liền với vịnh Thái Lan.

Nếu du khách xuất phát từ Thành phố Hồ Chí Minh thì có thể chọn xe khách, xe ô tô hoặc xe máy để đến địa điểm du lịch Cà Mau nổi tiếng này. Quãng đường nối liền hai đô thị miền Nam này dài khoảng 380km, ngang qua 3 - 5 trạm thu phí. Thời gian di chuyển trung bình giữa hai nơi là tầm 8 tiếng.

Theo truyền thuyết người dân địa phương kể lại xa xưa thời khai hoang, mở đất nơi này có một người phụ nữ tên là Tường, bà vốn gan dạ quả cảm có công xua đuổi hổ dữ. Ghi nhớ công đức của bà bảo vệ cuộc sống bình yên cho người dân trên đầm, người ta lấy tên bà đặt cho đầm là Thị Tường (tức bà Tường).

Đầm Thị Tường có nguồn lợi thủy hải sản đa dạng, phong phú, vì thế người dân sống quan đầm bằng nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Mực nước trên đầm thay đổi thường theo sự lên xuống của thủy triều từ 0,7m đến 1,5m, người dân cũng nương theo đó mà tận dụng đánh bắt các loại thủy hải sản. Ở đây, ngoài Hợp tác xã Đầm Thị Tường còn có vài hộ kinh doanh dịch vụ du lịch, ăn uống theo kiểu du lịch cộng đồng. Du khách có thể trải nghiệm, hòa nhập vào đời sống dân dã của người dân địa phương như chài lưới, câu, đó, bao chà bắt cá… và tự mình chế biến món ăn. Đi tham quan đầm, chiếc thuyền máy xẻ dòng nước lướt nhẹ trên mặt đầm sóng sánh nước, du khách vừa tận hưởng những luồng gió mát rượi vừa phóng tầm mắt quan sát mọi góc đẹp, cảnh quan của đầm. Trên mặt đầm có những căn nhà sàn chồi lá của người dân địa phương nuôi sò huyết cùng với bóng dáng của những hàng dừa nước xanh um đu đưa trong gió bao bọc hầu như toàn bộ chu vi của đầm.

Đến với đầm Thị Tường, du khách còn được tham qua khu căn cứ Tỉnh ủy Xẻo Đước để tìm hiểu về quá trình hoạt động gian khổ, anh dũng của các chiến sĩ cách mạng trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ngày 11/6/2007, Khu căn cứ Tỉnh ủy Xẻo Đước được Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Thông tin tham quan đầm Thị Tường

Khách du lịch Cà Mau có thể tham gia trải nghiệm đời sống dân dã của người dân địa phương như cùng chài lưới, câu, đó, bao chà bắt cá tôm… và hấp dẫn nhất là tự mình chế biến các món ăn theo khẩu vị của riêng mình.

Chỉ với khoảng 100.000 đồng/1 người là bạn có thể tham quan hay tham gia các hoạt động như đánh bắt cá vồ chó, cá lịch cũ, cá ngáp, sò huyết, tôm, cua….  Có 2 điểm chính ở đây, một là bạn được phục vụ ăn uống,  còn lại là vừa phục vụ tham quan cũng vừa phục vụ ăn uống cho du khách. Ở đầm Bà Tường có 1 phà cùng các thuyền của Hợp tác xã để phục vụ khách tham quan chu đáo nhất.

Đầm Thị Tường - Cà Mau

Công viên Văn hóa Du lịch Mũi Cà Mau

Công viên Văn hóa Du lịch Mũi Cà Mau nằm cách thành phố Cà Mau 120 km, cách Thành phố Hồ Chí Minh 480 km. địa chỉ: Ấp Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Khi đến Vườn quốc gia Mũi Cà Mau có điểm du lịch Công viên Văn hóa Du lịch Mũi Cà Mau là vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc thiêng liêng mà bất kỳ người dân Việt Nam nào cũng mong ước một lần được đến.

Hướng dẫn đường đi đến công viên Văn hóa du lịch mũi Cà Mau

Giao thông thuận tiện kể cả đường bộ cũng như đường thủy; từ Cà Mau khách tham quan có thể đi bằng phương tiện xe 4 bánh theo Quốc lộ 1A đến huyện Năm Căn, sau đó khách tham quan sẽ đi đến Công viên Văn hóa Du lịch Mũi Cà Mau bằng phương tiện ca nô.

Khách tham quan cũng có thể đi phương tiện đường thủy bằng ca nô từ thành phố Cà Mau đến Công viên Văn hóa Du lịch Mũi Cà Mau.

Công viên Văn hóa – Du lịch Mũi Cà Mau có diện tích 159,7 ha được chia ra thành 4 phân khu chức năng gồm: Khu công viên đài hình tượng Mũi Cà Mau, Khu sinh thái rừng kết hợp dịch vụ thương mại làng nghề, Khu bảo tồn sinh thái đặc trưng rừng ngập mặn và Khu dịch vụ nghỉ dưỡng sinh thái rừng ngập mặn, trung tâm sinh hoạt xã hội. Đây là khu du lịch sinh thái, nghiên giúp những HST rừng ngập mặn thuộc khi dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau.

Đến đây du khách được tham quan và chụp hình kỷ niệm tại các biểu tượng đặc trưng của Đất Mũi như Cột Mốc tọa độ GPS 0001, tiểu cảnh panô (hình ảnh con tàu), tham quan bờ kè chắn sóng, biểu tượng óc len, cá thòi lòi, cầu làng rừng, cột mốc điểm cuối đường mòn Hồ Chí Minh, Đền thờ Lạc Long Quân, Tượng Mẹ Âu Cơ, …

Hay đi bộ lên những tầng cao tại công trình Cột Cờ Hà Nội để ngắm toàn cảnh rừng ngặp mặn Cà Mau, Biển Đông rộng lớn, cụm đảo hòn khoai ẩn hiện từ phía xa. Cảnh rừng và biển hòa quyện vào nhau tạo nên một khung cảnh đẹp, nên thơ hiếm nơi nào có được.

**Giá vé vào cổng: 30.000vnđ/ người

Công viên Văn hóa Du lịch Mũi Cà Mau

Đảo Hòn Khoai

Đảo Hòn Khoai (hay còn được gọi là hòn Giáng Tiên, hòn Độc Lập) thuộc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, nằm cách đất liền 14,6km. Đây được coi là một trong những hòn đảo đẹp nhất cực Nam Tổ quốc.

Hòn Khoai có diện tích khoảng 4 km2, nằm ở phía Đông - Nam Mũi Cà Mau, cách đất liền (nơi gần nhất) 14,6 km, thuộc xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển. Đỉnh hòn cao 318 m so với mặt nước biển. Hòn Khoai được tạo thành từ 5 hòn đảo nhỏ xinh: Hòn Khoai, Hòn Đồi Mồi, Đảo Khoai,  Hòn Đá Lẻ, Hòn Tương. 

Hướng dẫn đường đi đến đảo Hòn Khoai

Từ thành phố Hồ Chí Minh bạn bắt xe khách đến Cà Mau, rồi từ trung tâm thành phố Cà Mau đi ra đảo Hòn Khoai Cà Mau sẽ có 2 cách để bạn lựa chọn:

- Cách 1: Từ Cà Mau đi đến thị trấn Năm Căn rồi lại đi tiếp đến cửa Khai Long. Từ đây bạn thuê tàu hoặc bắt tàu của Bộ đội Biên phòng, tàu của ngư dân đi đánh cá để ra đảo Hòn Khoai.

- Cách 2: Đi bằng phương tiện tàu cao tốc xuất phát từ Cà Mau ra đến Rạch Gốc, đến đây tiếp tục đổi tàu nhỏ hơn để vượt biển đi đến đảo Hòn Khoai. Nếu đi tàu từ Rạch Gốc (cửa ngõ của huyện Ngọc Hiển ra biển Đông), thì chỉ sau 3 giờ vượt biển, du khách đã có thể chiêm ngưỡng được Hòn Khoai – một trong những hòn đảo đẹp nhất miền cực nam của Tổ quốc.

Hòn Khoai còn mang nhiều tên khác nhau như: Đảo Giáng Tiên, Hòn Độc Lập. Thời Pháp thuộc, thực dân Pháp còn đặt tên Poulop. Riêng người dân địa phương còn gọi là Hòn Khoai vì hình dạng của nó trông giống như một củ khoai khổng lồ.

Xung quanh hòn còn có các hòn nhỏ khác như Hòn Lớn, Hòn Nhỏ, Hòn Tượng, Hòn Sao, Hòn Đồi Mồi. Hòn Khoai có 2 bãi cát, gồm Bãi Lớn ở phía Đông – Nam và Bãi Nhỏ ở phía Bắc. Đường đi lại trên đảo có một con đường chính từ Bãi Lớn đến đỉnh hòn, dài khoảng 3 km đã được trải nhựa từ thời kỳ thực dân Pháp chiếm đóng. Trên đảo có nhiều con suối. Trong đó, có 2 con suối lớn nước ngọt chảy quanh năm, là nguồn cung cấp nước cho đảo, cho tàu đánh cá quanh khu vực và cư dân vùng Rạch Gốc, Tân Ân.

Đảo Hòn khoai nổi tiếng với khu rừng nguyên sinh, thuộc hệ sinh thái rừng nhiệt đới hải đảo. Trong đó, hệ thực vật rất phong phú, với hơn 1.400 loài và có nhiều loại cây có giá trị kinh tế rất cao. Hòn Khoai có bờ biển sạch, kín gió, là nơi neo đậu, trú bão cho nhiều phương tiện khai thác thủy sản trên biển và là nơi sinh sản, trú ẩn của nhiều loài sinh vật biển. Từ những loài sinh vật phù du nhỏ bé cho đến những loài tôm, cá có giá trị kinh tế cao như mực, tôm hùm, tôm tít, cá mú, cá bốp… Biển Hòn Khoai với những bãi cát rộng. Khi nước triều xuống, biển lặng, sóng yên du khách có thể đi bộ trên Bãi Lớn, Bãi Nhỏ để tìm hiểu sự sống của các loài sinh vật biển và hít thở cái không khí trong lành của rừng, của biển.

Một số lưu ý khi tham quan

Du lịch đảo Hòn Khoai Cà Mau mùa nào đẹp? Thời điểm đẹp nhất là vào mùa xuân khi cây cối tươi tốt, khí hậu ấm áp cùng vẻ đẹp rực rỡ của nhiều loại hoa làm cho nơi đây trở nên hấp dẫn hơn. Bên cạnh đó, thời gian này ở đây biển cũng ít sóng và êm đềm hơn, bạn sẽ có nhiều thời giann chơi đùa và khám phá biển xanh với những bãi cát trắng mịn màng dưới cái nắng dễ chịu.

- Tránh đi đến đây vào các tháng 4, 9 và tháng 10 vì thời gian này thường xảy ra mưa bão. Gió lớn khó có thể ra đảo cũng như đảm bảo an toàn cho chuyến đi.

- Vì du lịch ở nơi đây chưa phát triển, rất ít nhà chủ yếu là đồn Biên phòng nơi Bộ đội ở nên khó tìm được chỗ lưu trú trên đảo. Do vậy nếu muốn ở lại bạn nên mang theo lều cắm trại, thức ăn và một số vật dụng cần thiết.

Đảo Hòn Khoai Cà Mau có vị trí địa lý giáp ranh với hải phận quốc tế nên nếu muốn đến đảo Hòn Khoai bạn phải xin phép đồn Biên phòng trước. Chỉ tham quan, quay phim và chụp ảnh ở một số khu vực được cho phép. Chú ý khi đi lại vì trên đảo có rất nhiều khỉ, không cần mang theo nước uống vì trên này có nước ngọt đồng thời không xả rác bừa bãi ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường.

 

Đảo Hòn Khoai - Cà Mau

Chợ nổi Cà Mau

Chợ nổi là một điểm đặc trưng không thể thiếu ở các tỉnh miền Tây sông nước và Cà Mua cũng không ngoại lệ. Chợ nổi Cà Mau nằm trên sông gành Hào, thuộc địa bàn phường 8 của trung tâm Cà Mau. Đây là khu chợ người dân địa phương tự họp hàng ngày và hoạt động nhộn nhịp nhất là vào khoảng thời gian từ 2 – 3 giờ sáng. Du khách đến đây sẽ có cơ hội được trải nghiệm chuyến vòng quanh chợ nổi vào sáng sớm.

Hướng dẫn di chuyển đến chợ nổi Cà Mau

Du khách có thể di chuyển từ bên xe thành phố Cà Mau đến chợ nổi Cà Mau chỉ khoảng 4km. Bạn có thể di chuyển bằng taxi hoặc bằng xe ôm, để thuận tiện hơn cho việc đi lại thì việc lựa chọn tự đi xe máy đến để tự do di chuyển hơn trong việc thăm quan.

Ở khu chợ nổi ở Cà Mau này chỉ tập trung mua bán sỉ đủ các loại mặt hàng từ thực phẩm, nhu yếu phẩm, trái cây tươi ngon, rau từ các miệt vườn cho các thương lái. Người dân nơi đây chân thành, bình dị, họ buôn bán trên những chiếc xuồng, ghe tàu to nhỏ trên dòng sông, chắc chắn sẽ để lại trong bạn những dấu ấn khó phai về nét độc đáo của khu chợ nổi đặc trưng của hầu hết các tỉnh miền Tây. Những trải nghiệm bạn nên thử khi đi chợ nổi Cà Mau như lênh đênh trên sông nước nghe câu hò điệu lý của người dân và hòa mình vào cuộc sống bận rộn, tập lập của họ hay thưởng thức trái cây miệt vườn cùng các đặc sản khác như hủ tiếu… Có rất nhiều loại trái cây để bạn có thể thưởng thức, hay mua về thử những loại trái cây yêu thích và mua về làm quà cho người thân. Bạn có thể nhờ người bàn gọt hộ để thử được hương vị tuyệt vời của các loại trái cây.

Chợ nổi Cà Mau

Rừng ngập mặn Cà Mau

Cách thành phố Cà Mau khoảng 60 km và sau hơn giờ đi bằng tàu cao tốc du khách sẽ được khám phá rừng ngập mặn Cà Mau – khu rừng ngập mặn lớn thứ 2 trên thế giới, sau rừng Amazon ở Nam Mỹ.

Rừng nơi đây có một thảm thực vật rất phong phú, đa dạng, với nhiều loài cây như: đước, mắm, vẹt, bần, dá, su, cóc, dà, chà là, dương xỉ, dây leo… Trong đó, đước là loài cây chiếm đại đa số nên nhiều người còn gọi là rừng đước Cà Mau. Dưới tán tán rừng ngập mặn Cà Mau có nhiều loài động vật quý hiếm như khỉ, voọc, heo rừng, chồn, rái cá, chim, tôm, cá cùng nhiều loại động thực vật phiêu sinh.

Khu du lịch Mũi Cà Mau cùng với các nhà làm du lịch địa phương đã đầu tư hệ thống cầu - đường bộ, lối đi trong rừng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển du lịch nơi đây. Đến với mũi Cà Mau, du khách sẽ có dịp trải nghiệm đi xuyên rừng, đi canô, vỏ lãi để ngắm vẻ đẹp đặc trưng của rừng ngập mặn, khu bãi bồi; câu cá, bắt cua, ốc len, ba khía; dã ngoại, cắm trại và thưởng thức các món đặc sản nơi đây. Đã tới rừng ngập mặn bạn không thể không đi xuống trên sông, len lỏi vào giữa rừng cây xanh mát và cảm nhận không khí yên bình giản dị của vùng đất cuối cùng này của Tổ Quốc. 

Các tuyến du lịch sinh thái

Rừng đước Cà Mau là điểm đến lý tưởng cho giới khoa học nghiên cứu, đặc biệt sở hữu tiềm năng du lịch sinh thái lớn nhất miền Tây. Hiện đã có bốn tuyến du lịch sinh thái được Vườn quốc gia đưa vào khai thác, bao gồm:

Tuyến 1: tham quan rừng ngập mặn, bãi bồi;

Tuyến 2: khám phá giếng trời, rừng nguyên sinh;

Tuyến 3: tham quan diễn thể rừng tự nhiên, cồn Ông Trang;

Tuyến 4: tham quan bãi bồi ven Biển Đông, rừng ngập mặn, bãi bồi ven Biển Tây.

Thông tin tham quan:

Giá vé vào cổng: 30.000 vnđ / người

Vé xe điện: 10.000vnđ / người

Thuê ca nô: 800.000vnđ / nhóm 6 người

Rừng ngập mặn Cà Mau

Khu Du Lịch Sinh Thái Thư Duy Cà Mau

Địa chỉ: 323 Lý Thường Kiệt, Khóm 9, Thành phố Cà Mau, Cà Mau

Đây là một trong những cửa ngõ của thành phố Cà Mau nên rất thuận tiện cho du khách đến tham quan, du lịch. Khu Du Lịch Sinh Thái Thư Duy là một điểm đến chọn lựa lý tưởng cho khách du lịch tận hưởng những giây phút thư giãn với không gian giải trí sang trọng, lịch lãm vừa mang tính hiện đại vừa truyền thống.

Thư Duy Resort  Khu du lịch sinh thái Thư Duy) là sự kết hợp hoàn hảo giữa lối kiến trúc hiện đại và truyền thống, với việc sử dụng những vật liệu tự nhiên thân thiện với môi trường thiên nhiên. Sẽ mang đến cho quý khách không gian nghĩ dưỡng thoải mái và thư giản tuyệt với nhất. Thư Duy Resort là lựa chọn hoàn hảo cho những ai mong muốn có chuyến đi du lịch cũng như nghĩ dưỡng độc dáo, với đầy đủ những tiện nghi cũng như những khu relax được trang bị hiện đại

Những cảnh trí trang nhã như hồ bơi trong xanh gợn bóng nước thuận tiện để du khách vừa tắm mát vừa phơi mình tắm nắng, nhịp cầu bắt sang khu nhà nghỉ kết hợp với tiểu cảnh núi hồ non xanh nước biếc, cây xanh rợp bóng hình thành nên một bức tranh phong cảnh hết sức ấn tượng. Chắc chắn rằng du khách sẽ có được những bức ảnh kỷ niệm hết sức sinh động khi đến đây. Đặc biệt, Thư Duy Resort sở hữu công viên nước đầu tiên ở Cà Mau với hệ thống máng trượt cao cấp dành cho những du khách yêu thích sự mạo hiểm. Sau những giây phút vui chơi, giải trí hiện đại, du khách có thể quây quần bên gia đình và thưởng thức những món hải sản tươi ngon của vùng đất Cà Mau.

Khu du lịch sinh thái Thư Duy - Cà Mau

Vườn dâu Cái Tàu 

Vườn dâu Cái Tàu thuộc xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, cách trung tâm thành phố Cà Mau khoảng 30 km về phía Tây, tiếp giáp với rừng U Minh Hạ và dọc theo tuyến sông Cái Tàu.

Vườn dâu Cái Tàu nổi tiếng khắp Cà Mau bởi những chùm dâu sai chi chít mọc từ thân cây mà khách du lịch tới tham quan không khỏi bất ngờ. Vườn dâu này tồn tại và phát triển hàng trăm năm qua còn lưu giữ nhiều những cây dâu cổ thụ mang dấu ấn thời gian của vùng đất phương Nam xưa.

Trái dâu là loài cây ăn quả đặc biệt chỉ có ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, trong đó Cái Tàu chiếm diện tích lớn nhất. Trước sân, ngoài vườn, đầu ngõ của nhà người dân xã Nguyễn Phích đâu đâu cũng thấy dâu là dâu. Nhà nào nhà nấy ít thì trồng một hai gốc để ăn, nhiều thì cả hécta. Vậy nên, chẳng nơi đâu có thể sánh được với vương quốc dâu Cái Tàu. Các bạn thích du lịch miệt vườn Cà Mau thì hãy tới xã Nguyễn Phích để tự mình hái những trái dâu tươi ngon ngay trên cây, chú ý là dâu chín vào cuối mùa xuân nhé các bạn.

Đặc trưng của dâu Cái Tàu là trái lớn, vỏ rất mỏng, mọng nước, có vị ngọt, chua nhẹ, khi chín có màu vàng ươm. Dâu Cái Tàu, mỗi năm chỉ có 1 mùa. Khi mưa năm trước vừa dứt, dâu đơm bông, kết trái hết 6 tháng mùa khô, đến khi vừa có hột mưa năm sau rơi xuống thì trái dâu vừa chín. 

Hằng năm, từ tháng 4 cho tới hết tháng 6 là thời điểm các nhà vườn mở cửa đón khách tham quan, chụp ảnh. Tại đây, du khách tự hái từng chùm dâu chín tươi ngon để thưởng thức và mang về làm quà cho gia đình, bạn bè khi có dịp về đất U Minh.

Đến vườn dâu, du khách có thể đi trên những chiếc xuồng ba lá, luồn lách qua những con rạch nhỏ thưởng ngoạn cảnh sắc bình yên. Mắc võng nghỉ ngơi dưới tán dâu xanh mướt, nhấm nháp những trái dâu chín mọng thơm phức, nghe đờn ca tài tử và thưởng thức những món ăn đồng quê như cá lóc nướng trui, cá trê chiêng, cá rô kho tộ…

Vườn dâu Cái Tàu - Cà Mau

Chùa Khmer Monivongsa Bopharam Cà Mau

Địa chỉ: Phường 1, Thành phố Cà Mau, Tỉnh Cà Mau

Chùa Monivonsa Bopharam, định danh theo tiếng Pali – Phạn ngữ, và lấy ý nghĩa từ kinh điển Phật giáo, dịch ra tiếng Việt có thể hiểu Liên Hoa Tự – Chùa Liên Hoa.

Chùa Monivongsa Bopharam được xây dựng vào năm 1964 do ngài Đại đức Thạch Kên đứng ra kêu gọi Tăng tín đồ phật tử đóng góp. Chùa Monivongsa Bopharam có diện tích khoảng 230m2, gồm chính điện, sala, nhà ở của các sư sãi, tháp để cốt, am thờ, ao sen… Khuôn viên chùa rộng lớn, có nhiều cây xanh, có ao sen… rất đỗi nên thơ và tĩnh lặng. Đặc biệt gây ấn tượng cho khách là cảnh hàng trăm con chim bồ câu lượn lờ, đậu trên những mái cong làm cho không gian của chùa thêm gần gũi hơn. Vào đây, bạn như được trút hết mọi thứ buồn phiền của cuộc sống lòng cảm thấy an nhiên lạ thường.

Vào những dịp lễ hội đặc sắc của người Khmer như Chol Chnam Thmay, Sel Đol Ta, Ok Om Bok,…họ đều tập hợp về chùa cùng nhau tổ chức cúng kiến và vui chơi trong suốt các kì lễ hội. Những hoạt động lễ hội đặc sắc và ấn tượng này đã trở thành tâm điểm, có sức hút lớn và lôi kéo các dân tộc khác trên địa bàn tỉnh Cà Mau cùng nhau tham dự.

Lưu ý khi tham quan chùa

Khi vào lễ Phật, du khách phải bỏ các vật dụng cá nhân như giỏ xách, mũ, dép, giày bên ngoài, đi chân không vào chính điện chiêm bái để tỏ lòng tôn kính Đức Phật. Sau khi lễ Phật, du khách có thể tản bộ trong khuôn viên chùa có nhiều cây xanh, ao sen… ngắm nhìn khung cảnh thanh tĩnh hay chơi đùa với đàn chim bồ câu hàng trăm hiền lành và thoải mái cho chúng ăn.

 

 

________________________________________

Các bạn có thể xem thêm các thông tin về du lịch Miền Tây tại các bài viết dưới đây

>>>>> Tour Du Lịch Ninh Kiều - Chợ Nổi Nửa Ngày

>>>>> Tour Du Lịch Cần Thơ - Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau - An Giang 4 Ngày

>>>>> Tour Du Lịch Cộng Đồng Cồn Sơn Nửa Ngày

>>>>> Tour Du Lịch Cần Thơ - An Giang - Châu Đốc - Trà Sư 1 Ngày